Thị trấn Thiên Tôn tỉnh Ninh Bình
Thứ năm, 21/11/2024
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử của thị trấn Thiên Tôn
NÔNG THÔN MỚI

Hoa Lư: Thực hiện mô hình trồng cây măng tây xanh Hà Lan

Thứ tư, 10/04/2019

Thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh về phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020, huyện Hoa Lư đã đưa mô hình trồng cây măng tây xanh Hà Lan vào sản xuất. Mô hình được thực hiện ở 2 xã là Ninh Khang và Ninh Mỹ.

Trên diện tích gần 9 sào ven đê sông Đáy trồng măng tây xanh Hà Lan, vợ chồng anh Đinh Lệnh Tài (HTX Đại Phú-xã Ninh Khang) đang tập trung cắt tỉa cành cây và thu hái những mầm măng. Anh Tài cho biết: Măng được trồng từ đầu tháng 10/2018 và đến nay đã bắt đầu cho thu bói. Năng suất và sản lượng thu chưa nhiều, nhưng mỗi ngày gia đình anh cũng thu được khoảng 10 kg và bán với giá 70.000-80.000 đồng/kg. 

Gia đình cũng đã liên hệ với Khách sạn Hoàng Sơn để tiêu thụ sản phẩm, nhưng sản lượng thì vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Đây là loại cây trồng mới, đòi hỏi phải chịu khó, tỉ mỉ, nhất là khi chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hái sản phẩm. Chỉ riêng khâu thu hái măng thôi đã phải thực hiện vào lúc sáng sớm và khi nắng to lên là kết thúc. Đang là thời kỳ ra măng bói, nên công việc hàng ngày chủ yếu do hai vợ chồng anh Tài  đảm nhiệm.

Thời gian tới và nhất là từ năm thứ hai trở đi công việc sẽ nhiều, đặc biệt ở khâu thu mầm măng..., gia đình sẽ phải thuê thêm lao động thời vụ. Cùng thời gian này, ở HTX Phong Hòa (xã Ninh Mỹ) cũng đã triển khai trồng gần 7 sào măng tây xanh Hà Lan và đã bắt đầu cho kết quả.

Chị Nguyễn Thị Hoài Phương, cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hoa Lư cho biết: Măng tây sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiệt độ từ 15 đến 35oC. Các loại đất phù sa, đất đỏ, đất xám, thịt nhẹ có pha cát, đất có độ tơi xốp cao, giàu mùn, giàu chất hữu cơ; thế đất cao ráo, dễ thoát nước; khu vực trồng măng tây phải đủ ánh nắng bảo đảm quang hợp tốt, năng suất, phẩm chất lượng cao. 

Thời vụ, gieo hạt cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 để trồng tháng 2, tháng 3 và gieo cuối tháng 2 đến tháng 4 để trồng từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch. Mật độ trồng: 20.000 cây/ha. Từ khi trồng đến khi cho thu hoạch trong khoảng 6-8 tháng. Lượng phân cho 1ha: 20 tấn phân chuồng hoặc 2 tấn phân hữu cơ vi sinh + 350kg lân nung chảy + 65kg Urea + 60kg KCl (bón lót); bón thúc 2 lần/tháng bằng phân NPK hoặc phân chuồng kết hợp với đạm và kali; từ năm thứ 2 trở đi, lượng phân có thể tăng lên 10-15% tùy tình hình sinh trưởng của cây. 

Măng tây xanh là cây cho thu hoạch chồi măng non mỗi ngày, vì thế rất cần được cung cấp đều đặn, đầy đủ nước tưới hàng ngày ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng. Mùa nắng phải tưới thường xuyên mỗi ngày, giữ đều độ ẩm của đất khoảng 65-70% để có măng ngọt, mềm với năng suất, chất lượng cao. Mùa mưa phải chú ý tiêu thoát nước, tuyệt đối không được để úng ngập quá 24 giờ, sẽ làm đầu chồi măng biến dạng cong vẹo, gốc rễ cây măng và chồi măng phát bệnh, hư thối, cây sẽ không cho măng hoặc măng bị giảm chất lượng đáng kể, không thể thu hoạch được. 

Chỉ nên tưới nước cho cây măng tây xanh vào các buổi sáng sớm mỗi ngày, sau khi đã thu hoạch xong lứa măng hàng ngày vào mỗi buổi sáng. ở thời điểm sau khi trồng 135 ngày, khi quan sát thấy đường kính gốc thân cây mẹ đạt 10-12mm, lá cây mẹ chuyển sang màu xanh đậm là dấu hiệu cho thấy cây sắp đến thời kỳ cho măng thu hoạch, cần tiến hành cắt hạ bớt ngọn cây măng (để ở độ cao 1,2m), để giúp cây mẹ phì to gốc và làm tăng thêm đáng kể lượng cành lá quang hợp cho cây, kích thích mạnh việc trổ măng. Việc xử lý đất tốt trước khi trồng, chăm sóc bón phân đúng kỹ thuật thì măng tây rất ít sâu bệnh hại. 

Tuy nhiên, cần chú ý phòng trị kịp thời một số đối tượng dịch hại như sâu ăn lá, bọ trĩ, rệp…, các bệnh thán thư, mốc sương, phấn trắng, thối rễ, đốm lá, thối măng… Khi các chồi măng nhú lên cao khỏi mặt đất khoảng 25cm-30cm là lúc cần phải thu hoạch ngay để có được sản phẩm măng chất lượng cao. 

Thời gian thu hoạch măng tây xanh là buổi sáng, thường từ 5-9 giờ sáng mỗi ngày, trước khi mặt trời tỏa nắng gay gắt. Cứ thế, tiếp tục khai thác măng mỗi ngày cho đến hết chu kỳ thu hoạch măng, khi thấy cây mẹ sắp chuyển lá vàng thì ngưng thu hoạch, chọn giữ lại 4-6 chồi măng khỏe mạnh làm cây mẹ thay thế (trẻ hóa), tỉa bỏ cây nhỏ, cây mẹ già và cây bị sâu bệnh. 

Nếu chăm sóc tốt, năm đầu mỗi cây có thể cho 1-2 chồi măng/ngày, từ năm thứ 2 mỗi cây có thể cho 2-3 chồi măng/ngày hoặc nhiều hơn tùy theo chế độ chăm sóc. Măng tây có thể cho thu hoạch từ 5-7 năm và mỗi năm nên thu hoạch trong khoảng thời gian 9 tháng. Măng tây là loại cây có thể sống được ở nhiều vùng khác nhau và có thể phát triển quanh năm. Măng tây có thân thảo dạng bụi, cây có tuổi thọ có thể kéo dài từ 4-8 năm. 

Từ giữa năm 2018, Hoa Lư đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện chủ trương đưa cây măng tây xanh Hà Lan vào sản xuất và xây dựng mô hình. Huyện hỗ trợ 100% giống, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và 30% phân bón. Hiện nay, nhiều người đã biết về cây măng tây như là một loại cây tạo ra thu nhập kinh tế khá và có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều chất đạm, chất xơ, chống lão hóa, tốt cho tim mạch, có vitamin A, C,... rất tốt cho sức khỏe.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?