Bên thửa ruộng ven đường, anh Trần Văn Thắng (xã Lưu Phương-Kim Sơn) vừa bón phân cho lúa vừa cho chúng tôi biết: Vụ này, thời tiết thuận lợi nên lúa phát triển đều và đẹp. Gia đình tôi có 4 sào ruộng, gieo cấy giống lúa Bắc Thơm số 7. Hiện nay lúa đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh. Mấy ngày nay tranh thủ thời tiết nắng ấm, vợ chồng tôi ra đồng làm cỏ, bón phân và vệ sinh đồng ruộng để tạo điều kiện cho lúa phát triển tốt.
Vụ đông xuân này, xã Lưu Phương gieo cấy hơn 360 ha, diện tích sản xuất lúa luôn được giữ ổn định trong nhiều năm trở lại đây. Cơ cấu giống lúa ngày một nâng cao, với các giống chất lượng cao là chủ đạo: Bắc thơm số 7 (84% diện tích), Nếp 97 (khoảng 7%), Chiêm Hương.
Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa đông xuân của xã cơ bản sinh trưởng và phát triển tốt, chủ yếu đang trong giai đoạn phân hóa đòng… Để chủ động trong công tác phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc lúa đông xuân, xã đã chỉ đạo HTX, đội sản xuất hướng dẫn nông dân điều tiết nước hợp lý, làm cỏ, kiểm tra mật độ cây lúa, phát quang đồng ruộng.
Đồng thời thực hiện nghiêm quy trình bón phân đạm, bón đủ lượng tạo điều kiện cho lúa phát triển ngay từ đầu. Trong thời gian tới, HTX tiếp tục đôn đốc bà con tập trung chăm sóc, bảo vệ lúa, nhất là với các loại sâu bệnh: Đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ và phấn đấu đạt mục tiêu năng suất từ 120-125 tạ/ha.
Vụ lúa đông xuân 2018-2019, huyện Hoa Lư gieo cấy gần 3.000 ha lúa với năng suất phấn đấu 68 tạ/ha. Để đạt được mục tiêu này, huyện xác định xây dựng từ 5-8 mô hình cánh đồng mẫu lớn (có diện tích từ 30 ha trở lên), cấy đồng giống, đồng trà với tổng diện tích gần 700 ha và cấy bằng các giống lúa chất lượng cao với tổng diện tích lúa chất lượng cao trong toàn huyện chiếm trên 70% tổng diện tích lúa gieo cấy được.
Bố trí hợp lý cơ cấu giống lúa theo từng vùng miền với khoảng 30% diện tích cấy giống lúa lai, 70% giống lúa thuần và 100% cấy ở trà xuân muộn.
Một trong những giải pháp quan trọng là phải đảm bảo được vấn đề thời vụ, cụ thể là khâu gieo cấy lúa phải ở trong khung thời vụ tốt nhất. Trong những năm gần đây, thời tiết luôn diễn biến phức tạp, khó lường, không tuân theo quy luật..., do vậy huyện xác định không chủ quan, nhất là vấn đề về nước tưới cho cây lúa nói riêng và cây trồng nói chung.
Vụ đông xuân năm nay được nhận định là vụ đông xuân ấm, nên các cơ quan chuyên môn tiên lượng sâu bệnh hại sẽ diễn biến phức tạp với các đối tượng gây hại: Sâu cuốn lá nhỏ, đục thân, rầy các loại có cơ hội để phát sinh, phát triển thành dịch nên cần chú ý phòng chống kịp thời trong thời gian tới.
Ông Lã Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh chia sẻ: Lúa đông xuân cấy xong gặp thời tiết ấm phát triển rất nhanh. Do được bón thúc kịp thời nên mới trung tuần tháng 3, một số diện tích cấy sớm lúa đã đẻ kín đất, thậm chí có ruộng lúa đã bước vào giai đoạn đứng cái. Hiện trà xuân sớm đang trong giai đoạn phơi màu, trà xuân muộn ở thời kỳ phân hóa đòng.
Sau đợt gió mùa tăng cường, kèm mưa dầm, dẫn đến độ ẩm không khí cao; thời tiết, khí hậu âm u, thiếu ánh sáng, lá lúa kéo dài che khuất lá dưới, lá non và mỏng, độ ẩm trong ruộng cao là nguyên nhân phát sinh sâu bệnh nhiều, nhất là bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ và rầy các loại.
Để giảm thiểu những tác động bất lợi của thời tiết và chủ động bảo vệ lúa đông xuân cuối vụ, cần phải làm tốt một số biện pháp kỹ thuật sau: Với trà lúa thuần cấy sớm ngay sau tiết lập xuân, chủ động giữ đủ nước để lúa trỗ an toàn, đồng thời phun phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông trước khi lúa trỗ; sau khi lúa trỗ, nếu thời tiết còn âm u, độ ẩm cao nên phun nhắc lại thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn (nên phun vào 4 - 5 giờ chiều) và không nên phun thuốc vào thời điểm lúa đang trỗ phơi màu.
Với các trà lúa thuần, lúa lai cấy sau 15/2 - 25/2 có thể trỗ đầu tháng 5 đến trung tuần tháng 5 thì kiểm tra đồng ruộng phát hiện rầy sớm để phun kịp thời; bởi theo dự báo thời tiết cuối xuân đầu hè thời tiết khô nóng rất phù hợp cho rầy nâu có thể bùng phát dịch sớm.
Những chân ruộng vàn, vàn cao nếu lúa bị đói ăn cuối vụ, lá hơi vàng thì có thể dùng phân bón qua lá: Đầu trâu, KOMIC, KH, ET... phun cùng với lần phòng trừ sâu đục thân, sâu cuốn lá cuối vụ, kết hợp bón bổ sung từ 3 - 4 kg NPK chuyên thúc lúa (hoặc bón 1 - 2 kg đạm urê + 2 - 2,5 kg kali/sào) ngay trước khi lúa trỗ thấp thó (bón thúc đòng, nuôi hạt). Giữ nước mặt ruộng ở giai đoạn lúa ôm đòng đến trỗ, nếu bị thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến quá trình làm đòng và trỗ bông, có thể làm ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh hại trên đồng ruộng, đặc biệt chú ý đến bệnh đạo ôn, rầy nâu với các giống mẫn cảm; tổ chức phòng trừ kịp thời khi đến ngưỡng bằng các loại thuốc đặc hiệu, theo sự hướng dẫn, khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn.
Theo baoninhbinh.org.vn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?