Thị trấn Thiên Tôn tỉnh Ninh Bình
Thứ năm, 21/11/2024
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử của thị trấn Thiên Tôn
NÔNG THÔN MỚI

Yên Mô, sản xuất vụ đông hàng hóa theo hướng hữu cơ

Thứ sáu, 29/10/2021

Tại hội nghị triển khai sản xuất vụ đông năm 2021 ở huyện Yên Mô đã có 9 đại biểu (các xã, HTX) bày tỏ ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, bàn giải pháp khắc phục khó khăn, phát huy thế mạnh để có vụ đông hàng hóa theo hướng hữu cơ, bền vững.

Yên Mô, sản xuất vụ đông hàng hóa theo hướng hữu cơ

Đại diện các xã, HTX tham quan mô hình trồng lạc che phủ ni-lông có liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm ở HTX nông nghiệp Đông Thôn (xã Yên Thái). Ảnh: Anh Tuấn

Các ý kiến đã bám sát tinh thần Nghị quyết số 15 - NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Mô ngày 10/6/2021 về phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đến năm 2025.

Tính đến hết năm 2020 giá trị sản xuất nông nghiệp huyện Yên Mô đạt 135 triệu đồng/ha; diện tích lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại chiếm 73,6%. Trên địa bàn huyện đã hình thành được một số vùng sản xuất rau, củ quả, ngô ngọt, canh tác 4 vụ/năm, nuôi thủy sản thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm cho giá trị kinh tế cao. 

Được biết từ hơn 4 năm qua, Yên Mô đã tích cực thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020. Nhiều mô hình, điển hình trong sản xuất nông nghiệp xuất hiện, tạo động lực, lan tỏa phong trào ra diện rộng. 

Cụ thể như Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với các xã, HTX nông nghiệp và các doanh nghiệp triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm "4 vụ" trong năm với công thức luân canh: khoai tây đông xuân + ngô ngọt xuân hè + đậu xanh hè thu (hoặc lúa mùa) + lạc đông (hoặc ngô ngọt) với quy mô 5 ha. 

Qua theo dõi cho thấy đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao.  Hầu hết  4 loại cây trồng đều được các doanh nghiệp cho ứng trước giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, bình quân giá trị thu nhập đạt 350 triệu đồng/ha, tăng 3 lần so với phương thức canh tác truyền thống. 

Chỉ tính riêng vụ đông năm 2020, trên địa bàn huyện Yên Mô có 10 HTX nông nghiệp thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với 6 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ ngô ngọt, lạc, khoai tây, ớt, ngải cứu. 

Các cây trồng trong mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đều cho năng suất cao, giá bán cao hơn 1,3 lần so với vụ đông năm 2019, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt từ 50-90 triệu đồng, 100% sản phẩm đều được doanh nghiệp thu mua theo hợp đồng và ứng trước vật tư, giống đối trừ sản phẩm, nhân dân yên tâm sản xuất.

Từ kết quả mô hình đã xây dựng, nhiều địa bàn đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng sản xuất theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hữu cơ, rất phù hợp với các xã có quỹ đất màu, giúp các hộ nông dân tăng thu nhập, bớt đi nỗi lo "được mùa mất giá".

Vụ đông này, Yên Mô phấn đấu trồng 1.600 ha, trong đó chú trọng mở rộng diện tích các cây trồng giá trị kinh tế cao với các cây trồng hợp lý để chủ động quỹ đất mở rộng diện tích canh tác 4 vụ/năm trên đất màu, đất lúa màu, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. Cụ thể, toàn huyện phấn đấu trồng 374 ngô các loại (bình quân giá trị sản xuất 1 ha ngô ngọt vụ đông 2020 của huyện đã đạt 61,7 triệu đồng, cao gấp 2-2,5 lần so với trồng ngô thương phẩm). 

Vì vậy vụ đông này cây ngô ngọt tiếp tục được gieo trồng tập trung ở các xã Yên Phong, Yên Thái, Mai Sơn, Yên Lâm. Các HTX nông nghiệp đã tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, bố trí quỹ đất hợp lý để hoàn thành gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất, tạo điều kiện cho cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt, đồng thời có giải pháp bảo vệ vùng nguyên liệu theo hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp, hạn chế tối đa tình trạng nông dân bán sản phẩm ra thị trường.

Cùng với đó, tiếp tục trồng 131 ha lạc các loại, tập trung ở các xã Yên Thái, Yên Mạc, Yên Thắng, Yên Thành, trong đó trên 42% diện tích đã thực hiện việc liên kết sản xuất với Viện đậu đỗ Việt Nam (bình quân năng suất lạc đông vụ trước đạt 25 tạ/ha, mang lại giá trị sản xuất đạt 50,7 triệu đồng/ha, tăng 4,6 triệu đồng/ha so với vụ đông năm 2019). Tiếp tục duy trì khoảng 48,3 ha cây bí xanh tập trung ở các HTX: Phúc Long, Bình Minh, Mai Sơn, Liên Dương... phấn đấu năng suất đạt 284 tạ/ha, cho giá trị bình quân 155 triệu đồng/ha.

Huyện cũng đưa các giống khoai tây giống mới, như Atlantic, Marabel, Sinora, Solara vào sản xuất (vụ đông năm trước năng suất đạt 139 tạ/ha, tăng 10,8 tạ/ha, sản lượng đạt 1.059,2 tấn, giá bán cao, đạt 91,7 triệu đồng/ha, tăng 13,2 triệu đồng so với vụ đông năm 2019). Diện tích cây đậu tương duy trì ở 50 ha, trong đó đậu tương thương phẩm khoảng 26 ha, đậu tương xuất khẩu 24 ha;  Bên cạnh đó, cây khoai lang trồng 169 ha, cà chua 20 ha, ớt 13 ha, cây dược liệu 7,4 ha. 

Các địa phương cũng phấn đấu trồng khoảng 694 ha các loại rau vụ đông (su hào, cải bắp, súp lơ, cải ăn lá, rau gia vị, cây khoai sọ, rau cần), các loại rau ngắn ngày nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa và thu nhập trên 1 ha canh tác.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?